Hôm nay tớ thề là sẽ cho ra một bài ngắn bình thường
thôi, vì tớ sẽ viết review về một sản phẩm tớ không dùng được nhưng
vẫn có nhiều cái để mà khen :v
Tớ sẽ nói luôn cho các cậu đỡ mất thời gian, đó là tớ
nghĩ sản phẩm này đủ phù hợp cho nhạy cảm bình thường, còn nếu là
da mỏng, mảng bảo vệ da bị tổn thương kha khá hoặc bị viêm da
(dermatitis) thì không nên mạo hiểm dùng làm gì cả.
Trước tiên, nói về bao bì, quả thực chai lọ của
Bioderma chưa bao giờ làm tớ thất vọng. Nhìn chai lọ nhỏ gọn, ấy vậy
mà cũng 250ml chứ chẳng đùa. Bản thân tớ thích cách Bioderma thiết
kế bao bì: đơn giản về màu sắc và nhìn cũng rất dễ chịu con mắt ^^
Toner này màu trong suốt như nước, lỏng như nước (gọi
là có độ sánh hơn nước xíu xiu không rõ ràng hẳn). Khi vỗ lên mặt
thì “phê” ở cái là nó nhẹ như nước, man mát, thấm nhanh vô cùng, như
là không dùng gì vậy. Ấy thế mà da vẫn có sự thay đổi: mềm hơn,
cảm thấy ẩm mướt hơn mà không hề lờn hay dính gì cả. Đơn giản sờ da
thì vẫn chỉ là da mình thôi nhưng mềm ẩm hơn. Nói chung là mọi thứ
đều vô cùng ưng và thấy tác dụng rõ ràng. Thế nhưng tớ lại không thể dùng được. Và cái gì thì
cũng có nguyên nhân.
Thành phần thì đây: AQUA/WATER/EAU,
GLYCERIN, XYLITOL, POLYSORBATE 20, MANNITOL, RHAMNOSE, FRUCTOOLIGOSACCHARIDES,
CUCUMIS SATIVUS (CUCUMBER) FRUIT EXTRACT, PEG-40 HYDROGENATED CASTOR OIL,
ALLANTOIN, PROPYLENE GLYCOL, DISODIUM EDTA, CETRIMONIUM BROMIDE, SODIUM
HYDROXIDE, CITRIC ACID.
Bàn về thành phần thì nó chẳng có gì đáng để lo
ngại cho đến khi tớ nhìn thấy Polysobate 20 và Peg-40 Hydrogenated castor
oil, hai chất nhũ hóa khá là mạnh (có thể dùng trong các sản phẩm
dầu tẩy trang để có thể rửa sạch dầu với nước). Và đó chính là
thứ khiến da tớ bị flare up (bùng phát) bệnh viêm da tiếp xúc (contact
dermatitis).
Tớ sẽ vượt lười để nói qua qua một chút thôi,
surfactants/emulsifiers (chất hoạt động bề mặt/chất nhũ hóa) về bản
chất thì giống nhau. Chúng đều có 1 đầu ưa dầu và một đầu ưa nước.
Chính vì thế trong kem dưỡng thường là sẽ luôn có vài loại chất nhũ
hóa nhẹ nhàng nào đó được sử dụng để mà có thể trộn lẫn các
thành phần có nước và dầu với nhau thành một thể thống nhất (nếu
không thì mỗi khi dùng bạn sẽ phải lắc cật lực cho mọi thứ hòa
quyện, nhưng rồi để được lúc thôi thì chúng nó sẽ lại tách lớp).
Cũng chính vì tính chất đó nên nó được dùng trong dầu tẩy trang để
chúng ta có thể rửa trôi sạch dầu bằng nước. Thế nhưng, với những
người bị viêm da nói chung và viêm da tiếp xúc nói riêng, khi sử dụng
các sản phẩm tẩy rửa hoặc tệ hơn là leave-on (bôi trên da) mà có
chứa chất nhũ hóa với lượng đủ nhiều hoặc loại khá mạnh, và khi
chúng “hợp tác” với nước, chúng sẽ “lôi kéo” lớp dầu tự nhiên trên
da “đi chơi” với chúng, phá hủy màng bảo vệ da vốn đã chẳng khỏe
mạnh của các bạn bị viêm da hay màng bảo vệ da tổn thương, gây ra
hiện tượng mất nước qua biểu bì da (transepidermal water loss) và làm
hại trực tiếp đến màng bảo vệ của da (skin’s barrier). Đây nôm na là
hiện tượng rửa trôi (washout effect). Việc này có thể gây ra hiện tượng kích ứng, dị ứng. (1)
Tóm lại là sau khi dính chưởng quả toner này tớ mới
cáu tiết và hoang mang, bởi vốn dĩ tớ nghĩ là tớ đang dùng gần như
là toàn bộ dòng Sensibio thì không có lý do gì không dùng được toner
cả. Vì khó chịu và tò mò, tớ bắt đầu ngồi so sánh tỉ mỉ thành
phần của kem dưỡng với cái toner này. Kết quả là tất cả những gì
toner có thì kem dưỡng cũng có, trừ 2 chất nhũ hóa kia. Chưa hết,
bản thân tớ cũng có quá nhiều trải nghiệm kích ứng đau đớn vô hạn
với dầu tẩy trang (cho dù tớ có dùng loại rẻ hay đắt, đông hay tây
các kiểu rồi). Vì thế nên tớ khẳng định luôn, da tớ từ giờ miễn
dùng thử các sản phẩm có chất nhũ hóa mạnh và đứng trong top thành
phần.
Dù khá là tiếc tiền thế nhưng mà từ giờ tớ đã rõ
ràng như ban ngày rằng tớ cần tránh cái gì. Ít nhất thì trong tương
lai, khi chọn đồ dưỡng da cho bản thân mình, tớ sẽ giảm thiểu được
nhiều hơn nữa nguy cơ kích ứng. Thế thôi, coi như vẫn là tớ may mắn đi
^^
Từ bài này, tớ cũng thực lòng muốn khuyên các cậu
rằng, không nhất thiết phải bị bệnh da, nếu các cậu có làn da khô
và nhạy cảm, hay cố gắng tránh các chất nhũ hóa đi, dùng nước tẩy
trang thay vì dùng dầu tẩy trang, như vậy sẽ tốt cho da của các cậu
hơn (kể cả khi chất nhũ hóa chẳng khiến da các cậu bị làm sao cả).
Tất nhiên tớ không vơ đũa cả nắm nhé, vì không phải
loại chất nhũ hóa nào cũng có “tính xấu” như vậy ^^ Ví dụ như tớ
nghe nói có một chất nhũ hóa khá thân thiện với da như Lecithin, nhưng
mà vì nó đắt nên thường ít được sử dụng :< Nên thôi, da khô và
nhạy cảm thì các cậu cứ tránh ra, dù sao cũng là da của mình, phải
giữ gìn cẩn thận nhất có thể chứ nhỉ?
Mong là bài chia sẻ này sẽ giúp ích cho các cậu,
chúc các cậu luôn xinh ^^
Reference
(1) Corazza M, Virgili A, Ricci M, et al. Contact Sensitization
to Emulsifying Agents: An Underrated Issue? Dermatitis.2016;27(5):276-281;
PMID: 27649350.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét